Rối loạn tiêu hóa là tình trạng thường gặp, gây khó chịu với các triệu chứng như đầy hơi, tiêu chảy, buồn nôn hoặc táo bón. Nếu biết cách chăm sóc đúng, bạn hoàn toàn có thể tự cải thiện tại nhà mà không cần dùng thuốc ngay.
Mục lục
Khi nào nên tự chữa rối loạn tiêu hóa tại nhà?
Rối loạn tiêu hóa là tình trạng hoạt động bất thường của hệ tiêu hóa, thường biểu hiện qua các triệu chứng như đầy bụng, chướng hơi, tiêu chảy, táo bón, đau bụng, buồn nôn hoặc ợ chua. Tình trạng này khá phổ biến, có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi và thường không quá nguy hiểm nếu được xử lý kịp thời.
Xử lý tại nhà thường mang lại hiệu quả nhanh khi nguyên nhân chủ yếu do:
- Ăn uống không hợp lý (ăn nhiều dầu mỡ, thực phẩm lạ)
- Căng thẳng, mất ngủ
- Thói quen sinh hoạt chưa khoa học
Ưu điểm của việc tự xử lý tại nhà là:
- Giúp giảm nhanh triệu chứng khó chịu
- Tiết kiệm thời gian và chi phí
- Phù hợp với trường hợp nhẹ, mới khởi phát
Tuy nhiên, nếu áp dụng sai cách hoặc lạm dụng thuốc, việc điều trị tại nhà có thể gây bất lợi:
- Làm chậm trễ chẩn đoán bệnh lý nghiêm trọng hơn (viêm ruột, nhiễm khuẩn nặng)
- Tăng nguy cơ mất nước, suy kiệt nếu tiêu chảy kéo dài
- Tự ý dùng thuốc không phù hợp

Bạn có thể tự chữa tại nhà nếu:
Triệu chứng nhẹ, không kèm sốt cao hay nôn liên tục: Người bệnh chỉ cảm thấy hơi mệt hoặc đau bụng âm ỉ, thân nhiệt hoàn toàn bình thường hoặc chỉ sốt nhẹ dưới 38°C. Tình trạng nôn ói không xảy ra liên tục, vẫn có thể uống nước mà không bị nôn ngay sau đó.
Chỉ bị đầy bụng, khó tiêu, tiêu chảy hoặc táo bón thoáng qua: Tiêu chảy thường không quá ba lần mỗi ngày, phân không lẫn máu và không gây mất nước nhiều. Nếu táo bón, thời gian kéo dài không quá ba ngày và không kèm đau bụng dữ dội.
Vẫn ăn uống, sinh hoạt được: có thể ăn cháo, súp, uống đủ nước, vận động nhẹ nhàng và nghỉ ngơi. Không có dấu hiệu mệt lả, chóng mặt, khô miệng hay tiểu ít – những triệu chứng điển hình cảnh báo mất nước hoặc suy kiệt.
Các cách chữa rối loạn tiêu hóa nhanh nhất tại nhà
Rối loạn tiêu hóa nhẹ thường có thể cải thiện nhanh bằng những biện pháp đơn giản. Dưới đây là các cách phổ biến và hiệu quả nhất, bạn nên kết hợp đồng thời để đạt kết quả tốt.
1. Điều chỉnh chế độ ăn uống và bù nước
Đây là bước quan trọng đầu tiên, giúp giảm gánh nặng cho đường ruột, hạn chế mất nước và hỗ trợ phục hồi niêm mạc tiêu hóa.
- Tạm ngưng ăn từ 4–6 giờ đầu nếu bạn đang bị nôn nhiều hoặc tiêu chảy liên tục. Việc này giúp dạ dày và ruột được nghỉ ngơi, giảm kích thích co bóp quá mức.
- Sau giai đoạn tạm nhịn ăn, hãy bắt đầu ăn lại từ từ với các món lỏng dễ tiêu như: Cháo loãng nấu cùng một chút muối, súp rau củ mềm, tránh nhiều dầu mỡ, cơm nát hoặc bánh mì trắng mềm hay khoai tây nghiền nhạt thêm muối.
- Chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày, tránh ăn quá no cùng lúc.
- Uống nhiều nước ấm để bù nước và làm dịu niêm mạc tiêu hóa. Mỗi lần uống từng ngụm nhỏ, tránh uống quá nhiều cùng lúc gây nôn thêm.
- Nếu bị tiêu chảy nhiều lần trong ngày, hãy pha oresol đúng tỷ lệ hướng dẫn trên bao bì hoặc thay thế bằng nước cháo muối loãng, nước dừa tươi để bổ sung điện giải (natri, kali, glucose).
Tuyệt đối tránh:
- Thực phẩm cay nóng (ớt, tiêu, mù tạt).
- Đồ ăn nhiều dầu mỡ, chiên rán.
- Sữa và chế phẩm từ sữa (với người không dung nạp lactose, có thể làm tiêu chảy nặng hơn).
- Các loại thức uống có gas, rượu bia và cà phê vì chúng kích thích nhu động ruột và làm mất nước nhanh hơn.
- Không uống nước lạnh hoặc ăn đá vì có thể gây co thắt dạ dày và làm khó tiêu.
2. Sử dụng thực phẩm hỗ trợ tiêu hóa
Một số thực phẩm tự nhiên giúp giảm nhanh các triệu chứng đầy hơi, khó tiêu, tiêu chảy hoặc táo bón:
Gừng tươi
Gừng chứa hoạt chất gingerol có tác dụng kháng viêm, làm ấm bụng và giảm cảm giác buồn nôn hiệu quả. Đây là lựa chọn phù hợp khi bạn bị lạnh bụng, chướng hơi hoặc nôn nhẹ. Bạn có thể thái vài lát gừng tươi, hãm với khoảng 200ml nước sôi trong 5–10 phút, uống khi còn ấm để phát huy tác dụng tốt nhất.
Sữa chua men sống
Sữa chua giàu lợi khuẩn probiotic giúp cân bằng hệ vi sinh đường ruột, hỗ trợ tiêu hóa và giảm rối loạn tiêu hóa do loạn khuẩn, đặc biệt hữu ích sau tiêu chảy hoặc dùng kháng sinh. Nên ăn 1–2 hộp sữa chua sau bữa ăn khoảng 30 phút để bổ sung lợi khuẩn và hỗ trợ tiêu hóa tốt hơn.
Chuối chín
Chuối chín mềm chứa nhiều kali giúp bù điện giải đã mất sau tiêu chảy, đồng thời chất xơ hòa tan trong chuối hỗ trợ nhuận tràng nhẹ, làm dịu niêm mạc ruột. Hãy ăn 1–2 quả chuối chín trong ngày, nên chọn chuối đã chín kỹ để dễ tiêu hơn.
Nghệ và mật ong
Nghệ giàu hoạt chất curcumin có khả năng chống viêm, bảo vệ niêm mạc ruột, hỗ trợ làm lành tổn thương tiêu hóa. Mật ong giúp kháng khuẩn nhẹ và làm dịu dạ dày. Tỷ lệ pha: 1 thìa tinh bột nghệ với 150ml nước ấm, thêm 1 thìa mật ong, khuấy đều và uống trước bữa ăn khoảng 30 phút.
Trà bạc hà
Tinh dầu bạc hà có tác dụng làm dịu co thắt cơ trơn đường ruột, giảm chướng bụng, đầy hơi và hỗ trợ tiêu hóa tốt hơn. Để chè ngon, h
ãm 4–5 lá bạc hà tươi với nước sôi trong 5 phút, uống khi còn ấm để cảm nhận rõ hiệu quả.
3. Mẹo dân gian hỗ trợ giảm nhanh triệu chứng
Nếu triệu chứng khó chịu, bạn có thể áp dụng thêm các mẹo sau:
Nước lá ổi non
- Lá ổi chứa tanin giúp se niêm mạc ruột và cầm tiêu chảy nhẹ.
- Cách dùng: Rửa sạch 10–15 lá ổi non, nấu với 300ml nước, để sôi 5–7 phút, uống khi nguội.
Lá mơ lông
- Lá mơ giúp giảm tiêu chảy, đầy bụng, sôi bụng.
- Cách dùng: Nhai trực tiếp 5–7 lá mơ lông đã rửa sạch, hoặc giã nhuyễn, vắt lấy nước uống.
Nước muối pha loãng
- Giúp sát khuẩn nhẹ đường ruột, giảm buồn nôn.
- Cách dùng: Pha 1/2 thìa muối vào 250ml nước ấm, uống từng ngụm nhỏ.
Nha đam
- Gel nha đam giúp làm dịu niêm mạc dạ dày.
- Cách dùng: Lấy phần thịt trắng của lá nha đam, rửa sạch nhựa vàng, ăn trực tiếp 1–2 thìa hoặc pha cùng nước ấm.
Chườm ấm vùng bụng
Dùng túi chườm hoặc khăn ấm áp lên bụng 10–15 phút giúp giảm đau và co thắt.
Massage bụng
Xoa nhẹ vùng quanh rốn theo chiều kim đồng hồ 5–10 phút giúp đẩy hơi và kích thích tiêu hóa.
4. Bổ sung men vi sinh
Men vi sinh (probiotic) là các vi khuẩn có lợi, thường chứa chủng Lactobacillus và Bifidobacterium, giúp tái lập cân bằng hệ vi sinh đường ruột, ức chế vi khuẩn có hại, từ đó hỗ trợ cải thiện nhanh các triệu chứng tiêu chảy, đầy hơi, chướng bụng hoặc táo bón. Ngoài ra, men vi sinh còn giúp tăng cường miễn dịch niêm mạc ruột và phục hồi hệ tiêu hóa sau khi dùng kháng sinh.
Cách dùng:
- Sử dụng đúng liều lượng theo hướng dẫn ghi trên bao bì sản phẩm hoặc theo chỉ định của bác sĩ, dược sĩ.
- Thường nên uống sau bữa ăn để tăng khả năng sống sót của lợi khuẩn khi đi qua acid dạ dày.
- Nếu đang dùng kháng sinh, nên uống men vi sinh cách thời điểm uống kháng sinh ít nhất 2 giờ để tránh giảm hiệu quả.
Lưu ý:
- Không tự ý dùng liều cao hơn khuyến cáo.
- Chọn sản phẩm uy tín, có số đăng ký rõ ràng để đảm bảo chất lượng và hàm lượng lợi khuẩn.
- Nếu rối loạn tiêu hóa kéo dài hoặc kèm sốt, đau bụng nhiều, cần thăm khám trước khi sử dụng.
5. Thay đổi thói quen sinh hoạt
Việc điều chỉnh lối sống đóng vai trò quan trọng trong quá trình phục hồi hệ tiêu hóa và phòng ngừa các đợt rối loạn tiêu hóa tái phát.
- Nghỉ ngơi đầy đủ: Trong giai đoạn triệu chứng nặng, bạn nên nghỉ ngơi hoàn toàn, tránh vận động mạnh hoặc làm việc căng thẳng vì stress và mệt mỏi có thể khiến ruột co bóp bất thường.
- Ăn chậm, nhai kỹ: Khi ăn, hãy nhai kỹ thức ăn trước khi nuốt để giảm gánh nặng tiêu hóa cho dạ dày và hạn chế tình trạng đầy hơi, khó tiêu.
- Không nằm ngay sau ăn: Sau bữa ăn, nên ngồi nghỉ hoặc đi lại nhẹ nhàng, tránh nằm ngay vì dễ gây trào ngược và đầy bụng. Tốt nhất nên ngồi hoặc đi lại nhẹ ít nhất 30 phút.
- Giữ ấm bụng: Duy trì nhiệt độ cơ thể ổn định, tránh để bụng lạnh, đặc biệt khi ngủ hoặc vào ban đêm, vì lạnh bụng có thể làm tăng co thắt ruột và gây đau quặn.
- Giữ tinh thần thoải mái: Căng thẳng kéo dài dễ làm rối loạn nhu động ruột, gây đau bụng và khó tiêu. Vì vậy, bạn nên sắp xếp thời gian nghỉ ngơi, thư giãn tinh thần và tránh lo lắng quá mức.
Sau 2–3 ngày áp dụng các biện pháp trên, nếu triệu chứng không cải thiện hoặc xuất hiện dấu hiệu nặng như sốt cao, mất nước, đau bụng dữ dội, nôn liên tục, bạn nên đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Rối loạn tiêu hóa tuy không quá nguy hiểm nhưng dễ tái phát nếu không điều chỉnh chế độ ăn uống và thói quen sinh hoạt. Nếu áp dụng các cách trên mà triệu chứng không thuyên giảm hoặc trở nặng, bạn nên đi khám để được tư vấn điều trị kịp thời.
🔹🔹🔹Để giúp Khách hàng vừa dễ dàng nhận biết hàng chính hãng, vừa tiết kiệm chi phí, Tràng Phục Linh PLUS có chương trình tích đủ 6 điểm tặng 1 hộp 20 viên trị giá 195.000. ➠ Cách thức nhận quà vô cùng đơn giản, bạn chỉ cần làm theo hướng dẫn của tem tích điểm có trên vỏ hộp |