Sôi bụng là hiện tượng bình thường mà bất cứ ai cũng có thể gặp phải. Sôi bụng hay xảy ra khi thức ăn tiêu hóa chậm hoặc chỉ đơn giản là do cơn đói. Tuy nhiên, nếu bạn bị sôi bụng thường xuyên mà không phải bởi những lý do này, thì đó có thể là dấu hiệu cảnh báo những bệnh lý tiềm ẩn trong đường ruột.
Mục lục
Tiếng sôi bụng hình thành thế nào?
Tiếng sôi bụng là âm thanh tự nhiên phát ra từ hoạt động nhu động ruột – quá trình co bóp nhịp nhàng của các cơ trơn trong hệ tiêu hóa (gồm cơ hoành và cơ dọc). Những cử động này giúp trộn và đẩy thức ăn, không khí, chất lỏng đi qua ống tiêu hóa, tạo ra âm thanh ọc ọc, ùng ục giống như nước chảy trong ống. Âm thanh này có thể xuất phát từ dạ dày hoặc ruột non, đại tràng.
- Khi nhu động ruột bình thường, âm thanh rất nhỏ, chỉ phát hiện được qua ống nghe.
- Khi nhu động yếu, tiếng sôi bụng gần như không có.
- Khi nhu động bị kích thích mạnh, cơ ruột co bóp nhiều khiến tiếng sôi to rõ, có thể nghe thấy bằng tai thường.
Nguyên nhân phổ biến gây tiếng sôi bụng
– Do đói bụng
Khi bụng đói, não tiết hormone kích thích dạ dày và ruột co bóp liên tục dù không có thức ăn. Điều này tạo ra âm thanh gầm gừ – như “chuông báo” nhắc cơ thể cần được nạp năng lượng. Hiện tượng này thường xảy ra sau vài giờ không ăn hoặc vào ban đêm khi đang ngủ. Một đợt sôi bụng do đói có thể kéo dài tới 20 phút và lặp lại theo chu kỳ hàng giờ.
– Do căng thẳng (stress)
Stress ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương, từ đó gây rối loạn nhu động ruột. Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến co thắt ruột bất thường, gây tiếng sôi và cảm giác khó chịu. Stress còn là yếu tố khởi phát hoặc làm nặng thêm các bệnh tiêu hóa như trào ngược dạ dày – thực quản, viêm loét dạ dày, viêm đại tràng, hội chứng ruột kích thích…
– Do thói quen ăn uống không khoa học
Các thói quen như ăn nhanh, nhai không kỹ, nói chuyện khi ăn khiến không khí lọt vào đường ruột nhiều hơn, dẫn đến tích tụ khí và gây sôi bụng. Ngoài ra, một số thực phẩm khó tiêu (đặc biệt là nhiều carbohydrate) cũng dễ sinh khí trong ruột:
- Sữa và các sản phẩm từ sữa
- Táo, xoài, rau họ cải, cà rốt
- Bánh mì, ngũ cốc nguyên hạt, đậu
- Nước ngọt có gas, đồ uống công nghiệp
❌ Tiếng sôi bụng phát ra thường xuyên hoặc đi kèm với sự hiện diện của các triệu chứng khác có thể là tín hiệu chỉ ra một tình trạng tiềm ẩn trong hệ thống tiêu hóa. Những triệu chứng này có thể bao gồm:
- Chướng bụng, đầy hơi, căng tức bụng, ợ chua, ợ hơi
- Buồn nôn hoặc nôn
- Đau bụng
- Tiêu chảy kéo dài
- Táo bón kéo dài
- Phân có lẫn máu
- Sốt cao
- Giảm cân
Bị sôi bụng nhiều là biểu hiện của bệnh gì?
Hội chứng ruột kích thích
Hội chứng ruột kích thích (IBS) không phải là bệnh lý thực thể, tình trạng này hình thành do rối loạn cơ năng đại tràng. Nghĩa là bệnh nhân không hề có dấu hiệu tổn thương trong niêm mạc ruột, cũng không thấy sự xuất hiện của vi khuẩn gây bệnh.
HCRKT được chia thành 4 nhóm chính, bao gồm:
- HCRKT thể tiêu chảy (IBS-D)
- HCRKT thể táo bón (IBS-M)
- HCRKT xen kẽ tiêu chảy và táo bón (IBS-M)
- HCRKT không tiêu chảy hay táo bón (IBS-U)
Các triệu chứng thường gặp đó là:
Đau bụng: Đau bụng là triệu chứng chính và thường gặp nhất. Người bệnh hay bị đau sau khi ăn uống. Vị trí đau chủ yếu là quanh hố chậu trái và bụng dưới. Khi sờ nắn vào vùng này có thể cảm nhận được các cục cứng nổi lên. Cơn đau sẽ giảm bớt phần nào sau khi người bệnh đại tiện hoặc trung tiện.
Tiêu chảy hoặc táo bón kéo dài: Người bệnh thường xuyên đại tiện phân lỏng hoặc phân rắn xen kẽ từng đợt, 3- 5 lần ngày. Phân có thể lẫn nhầy nhưng không bao giờ có máu.
Chướng bụng, đầy hơi, sôi bụng: Các triệu chứng này diễn ra thường xuyên nhưng thường trầm trọng hơn vào ban ngày, đặc biệt là sau khi ăn trưa, giảm dần vào ban đêm.
Hiện nay, người ta vẫn chưa thể xác định rõ ràng nguyên nhân gây ra HCRKT. Tuy nhiên, yếu tố di truyền, sự nhạy cảm với thức ăn hay căng thẳng trong cuộc sống là những lý do liên quan gần gũi.
Hội chứng này ảnh hưởng đến 10 – 15% dân số ở các quốc gia phát triển. Bệnh chủ yếu xuất hiện ở những người trẻ tuổi từ 18 – 30, giảm dần sau 50 tuổi. Trong đó tỷ lệ nữ giới mắc bệnh cao hơn nam giới. Mặc dù không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng người bị HCRKT lâu ngày thường hay gặp phải các chứng rối loạn lo âu, trầm cảm hay mệt mỏi mãn tính khiến cơ thể suy nhược.
Viêm loét đại tràng
Viêm loét đại tràng chỉ tình trạng lớp lót bên trong đại tràng bị viêm nhiễm và tổn thương, nếu nhẹ thì niêm mạc sưng đỏ, có các vết trợt, nặng thì xuất hiện các vết loét, có thể xuất huyết hay hình thành những ổ áp xe nhỏ.
Bệnh hình thành do nhiều nguyên nhân khác nhau như là:
- Do sự tấn công của vi khuẩn, vi trùng, virus, nấm…trong đường ruột
- Do thói quen ăn uống kém vệ sinh, thiếu lành mạnh
- Do tác động của thuốc kháng sinh khi sử dụng lâu dài
- Do đại tràng bị thiếu máu cục bộ
- Do stress, căng thẳng thường xuyên
- Ngoài ra, viêm loét đại tràng có liên quan tới yếu tố di truyền hay yếu tố tự miễn
Triệu chứng điển hình của bệnh viêm đại tràng là những cơn đau bụng dọc theo khung đại tràng. Mức độ đau diễn biến khác nhau, lúc thì âm ỉ lúc lại kéo dài thành từng cơn. Đặc biệt, người bệnh hay bị đau sau khi ăn uống những thực phẩm lạ, dễ gây lạnh bụng hoặc thức ăn nhiều dầu mỡ…Cơn đau sẽ giảm bớt phần nào sau khi họ đi tiêu xong. Trường hợp bị viêm nặng xuất hiện máu hoặc dịch nhầy trong phân.
Ngoài ra, người bệnh còn phải đối mặt với các triệu chứng rối loạn tiêu hóa khác như là sôi bụng, đầy hơi, khó tiêu, bụng căng chướng, tiêu chảy hoặc táo bón nhiều lần trong ngày.
☛ Tìm hiểu chi tiết: Tìm hiểu chi tiết các phương pháp điều trị viêm đại tràng
Bệnh Crohn
Bị sôi bụng nhiều có thể là dấu hiệu của bệnh Crohn – một dạng viêm ruột mạn tính. Bệnh gây tổn thương sâu ở ống tiêu hóa, có thể xảy ra ở bất kỳ vị trí nào từ miệng đến hậu môn. Không giống viêm loét đại tràng (tổn thương liên tục, chỉ ở niêm mạc đại tràng), Crohn gây viêm ngắt quãng và lan sâu vào các lớp cơ.
Người bệnh Crohn thường bị đau bụng, tiêu chảy kéo dài, đầy hơi, sôi bụng, đi ngoài ra máu, đặc biệt là sau ăn. Ở thể cấp, triệu chứng dễ nhầm với viêm ruột thừa. Ở thể mạn, bệnh tiến triển âm thầm nhưng có thể dẫn đến thiếu máu, hẹp ruột, thủng ruột hoặc rò tiêu hóa.
Nguyên nhân chủ yếu liên quan đến chế độ ăn uống kém lành mạnh và yếu tố di truyền. Do tổn thương lan sâu, bệnh Crohn nếu không điều trị có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm.
Nhiễm trùng đường ruột
Nhiễm trùng đường ruột là căn bệnh phổ biến, xảy ra ở mọi lứa tuổi. Khi hệ vi khuẩn đường ruột bị rối loạn thì đường ruột sẽ bị viêm. Nhiễm trùng đường ruột xảy ra chủ yếu do các tác nhân là vi khuẩn và kí sinh trùng theo đường ăn uống vào trong cơ thể.
Những triệu chứng của bệnh thường là:
- Dấu hiệu chủ yếu là tiêu chảy kèm theo sốt, trên 3 lần/ngày. Thậm chí, ở giai đoạn nặng, người bệnh có thể tiêu chảy tới 20 lần/ ngày.
- Đặc điểm của phân là lỏng nhiều nước và nhầy, phân có mùi hôi khắm khó chịu, không lẫn máu.
- Bệnh nhân bị nôn nhiều kèm theo ợ hơi, đầy hơi, chướng bụng, đau bụng.
- Nếu như tác nhân gây hại là do virus, thì người bệnh còn gặp các triệu chứng khác tại đường hô hấp như ho, sổ mũi, viêm xoang…
- Ngoài ra, người bệnh có thể bị bỏng rát da, dị cảm da, mất ngủ, mệt mỏi…
Đối với những trường hợp nhiễm trùng đường ruột ở mức độ nhẹ, thì bệnh có thể tự khỏi sau vài tuần mà không cần điều trị. Các trường hợp nghiêm trọng thì phải nhập viện để truyền dịch tĩnh mạch hoặc sử dụng khác sinh theo chỉ định của bác sĩ. Hầu hết, bệnh nhân sẽ được hạn chế sử dụng thuốc chống tiêu chảy vì nó có thể khiến cho vi khuẩn, virus, kí sinh trùng ở lại trong đường ruột lâu hơn.
Không dung nạp thực phẩm

Bệnh celiac: Bệnh celiac là bệnh xảy ra với những người mắc chứng không dung nạp glutein (một loại protein thường có trong lúa mì, lúa mạch, bánh mì…). Đối với trẻ nhỏ, bệnh thường gây ra các triệu chứng liên quan tới tiêu hóa như là nôn, đau bụng, sôi bụng, tiêu chảy, táo bón. Nếu bị bệnh lâu ngày cơ thể trẻ sẽ chậm phát triển, bụng phình to, cơ đùi teo nhỏ, mông lép…Ở người lớn, những biểu hiện về tiêu hóa do bệnh gây ra ít gặp hơn. Thay vào đó, người bệnh thường cảm thấy mệt mỏi nhiều, đau nhức xương khớp và rối loạn tâm lý, riêng ở phụ nữ thì có thể khiến kinh nguyệt không đều. Người lớn bị bệnh celiac có nguy cơ loãng xương và thiếu máu.
Không dung nạp Lactose: Bệnh này thường xuất hiện ở những người gặp khó khăn trong việc tiêu hóa đường sữa hay các dạng thực phẩm liên quan đến sữa. Họ hay bị sôi bụng, tiêu chảy sau khi ăn các sản phẩm từ sữa. Các triệu chứng này có thể đến từ 30 phút đến 2h sau khi ăn uống.
Hấp thu fructose: Bệnh này thường xuất hiện ở những người gặp khó khăn trong việc tiêu hóa fructose. Fructose là một loại đường được tìm thấy tự nhiên trong một số loại trái cây (táo, lê, …) và mật ong. Đôi khi fructose được thêm vào như một chất làm ngọt cho một số đồ uống. Triệu chứng xảy ra giống như ở những người không dung nạp Lactoser.
Điều trị sôi bụng
Nếu tiếng sôi bụng ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày hoặc đi kèm các triệu chứng bất thường, bạn nên đến cơ sở y tế để kiểm tra. Bác sĩ sẽ thăm khám lâm sàng, sử dụng ống nghe để kiểm tra nhu động ruột và có thể chỉ định thêm các xét nghiệm như nội soi, chụp X-quang, CT, xét nghiệm máu hoặc nước tiểu để xác định nguyên nhân. Việc điều trị sẽ tùy thuộc vào tình trạng cụ thể, như hội chứng ruột kích thích hay viêm đại tràng, thường bao gồm dùng thuốc, điều chỉnh lối sống và hỗ trợ tâm lý. Quan trọng là người bệnh cần tuân thủ đúng hướng dẫn điều trị từ bác sĩ.
☛ Xem chi tiết: Các loại thuốc điều trị sôi bụng
Chỉ định mổ sẽ được tiến hành khi các bệnh lý đường tiêu hóa xảy ra biến chứng nguy hiểm như là thủng ruột, xuất huyết ồ ạt, ung thư… Nếu nguyên nhân sôi bụng là do các chứng không dung nạp thực phẩm gây ra thì bạn chỉ cần ngưng nạp những loại thức ăn này, các triệu chứng sẽ biến mất.
Ngoài ra, để hạn chế sôi bụng liên tục, bạn có thể xem xét những lời khuyên sau:

- Hạn chế những thực phẩm dễ tích khí trong đường ruột như bắp cải, súp lơ, các loại hạt đậu, nước ngọt có gas…
- Tránh sử dụng ống hút khi thưởng thức các loại đồ uống, chúng có thể là nguyên nhân khiến bạn nuốt nhiều khí vào bụng hơn.
- Hãy dành thời gian vừa đủ cho mỗi bữa ăn, đừng nhai quá vội vàng, hãy nhai kỹ và nuốt chậm hơn, không há miệng to khi ăn uống.
- Nên ăn các thực phẩm lên men tự nhiên như dưa chua, kim chi, sữa chua để củng cố hệ lợi khuẩn đường ruột, giúp giảm bớt tình trạng đầy hơi
- Cơn đói đôi khi cũng là một lý do gây ra tình trạng sôi bụng. Vì thế, để tránh điều này hãy thử chia nhỏ khẩu phần ăn trong ngày làm nhiều bữa. Điều đó sẽ giúp bạn tránh khỏi tình trạng sôi bụng mà không khiến cho dạ dày phải làm quá sức.
- Cân bằng lối sống để giảm tránh căng thẳng, gây ảnh hưởng xấu tới hệ tiêu hóa.
Bụng hay bị sôi có thể chỉ là dấu hiệu rối loạn tiêu hóa nhẹ, nhưng cũng có thể liên quan đến các bệnh lý đường ruột tiềm ẩn. Việc lắng nghe cơ thể, điều chỉnh chế độ ăn uống và thăm khám kịp thời sẽ giúp bạn kiểm soát tốt tình trạng này và bảo vệ sức khỏe hệ tiêu hóa một cách hiệu quả.
⭐ Tràng Phục Linh PLUS cam kết hoàn lại 100% tiền nếu không giảm triệu chứng sau 2 tháng sử dụng. Cách thức đăng ký tham gia vô cùng đơn giản, Quý khách chỉ cần gọi về tổng đài miễn cước 18001506 trước khi sử dụng sản phẩm để đăng ký. |